Top 6 Cổng Casino Trực Tuyến Nổi Tiếng - Game Bài

PHÁT HIỆN SỚM TẬT KHÚC XẠ Ở TRẺ NHỎ

Các tật khúc xạ thường gặp ở trẻ nhỏ đó là cận thị, viễn thị, loạn thị và lệch khúc xạ… trong đó phổ biến nhất là cận thị. Đây là một nguy cơ rất lớn gây ảnh hưởng đến việc học tập, cũng như các sinh hoạt thông thường hàng ngày của trẻ nhỏ.

  1. Các tật khúc xạ thường gặp

Tật khúc xạ đang ngày càng gia tăng về mức độ và số lượng các trường hợp bị mắc phải. Theo thống kê dự báo đến năm 2050, ước tính có 49,8% dân số thế giới, tức hơn 4 tỷ người có thể mắc tật cận thị.

Việc trẻ mắc phải các bệnh về mắt trong đó có tật khúc xạ có thể ảnh hưởng mạnh đến tâm lý của trẻ nhỏ, trẻ không tự tin khi đến trường, bị các bạn trêu đùa. Đồng thời việc mắc các tật khúc xạ cũng gây khó khăn cho trẻ trong các hoạt động hàng ngày của trẻ.

  • Cận thị

Hình 1.1. Mắt cận thị

Mắt cận thị là mắt có trục nhãn cầu dài hơn bình thường hoặc công suất khúc xạ quá lớn dẫn đến hình ảnh của vật sẽ hội tụ ở phía trước của võng mạc. Người bị cận thị nhìn xa sẽ bị mờ nhưng nhìn gần vẫn rõ trừ khi bị cận thị quá nặng. Cận thị có thể là do bẩm sinh (thường là cận thị nặng) hay mắc phải do quá trình phát triển (thường xuất hiện lúc trẻ từ 7-10 tuổi).

Nguyên nhân của cận thị chưa được xác định rõ ràng, nhưng có nhiều yếu tố liên quan trong đó có việc trẻ xem tivi, máy tính, điện thoại nhiều, phòng học thiếu ánh sáng, tư thế ngồi học và đọc sách không đúng, bàn ghế không phù hợp, chưa có bảng chống lóa, môi trường ô nhiễm, thời gian học và đọc sách không hợp lý, ăn uống không đủ chất và cả do nguyên nhân di truyền…

Trẻ bị cận thị thường phải nheo mắt để nhìn, gây mỏi mắt, co quắp mi hay lác mắt, dần dần mất sự phối hợp thị giác hai mắt. Biến chứng nguy hiểm của cận thị nặng có thể gây đục dịch kính, thoái hoá võng mạc, bong võng mạc dẫn đến mù lòa. Ở trẻ nhỏ đa số chỉ phát hiện khi trẻ bắt đầu đi học, cô giáo thấy đọc sai chữ trên bảng hoặc học sút kém… lúc đó mới đi khám và đeo kính. Vì thế, các bậc cha mẹ khi thấy trẻ có hiện tượng như: trẻ ngồi quá gần tivi; đọc sách, truyện quá gần; trẻ hay nheo mắt; nghiêng hoặc quay đầu để nhìn cho rõ; trẻ nheo mắt khi nhìn xa hoặc nghiêng đầu xem tivi; trẻ hay mỏi mắt nhức đầu, chảy nước mắt; thường không thích các hoạt động có liên quan đến nhìn xa; gia đình có ông bà, bố mẹ, hay anh chị bị cận thị; trẻ có tiền sử sinh non… cần đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được thăm khám, phát hiện và điều trị kịp thời các tật khúc xạ nói chung và cận thị nói riêng tránh các tai biến do các tật khúc xạ gây nên.

Điều trị bao gồm đeo kính gọng, dùng kính tiếp xúc. Ở nước ta chỉ dùng Laser Excimer chữa cận thị cho người từ 18 tuổi trở lên.

  • Viễn thị

Hình 1.2. Mắt viễn thị

Mắt viễn thị có trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường và khi đó hình ảnh của vật nằm ở phía sau võng mạc. Người bị viễn thị nhìn xa sẽ rõ hơn nhìn gần, nhưng nếu bị viễn thị nặng thì người bệnh sẽ nhìn mờ cả khi nhìn xa và khi nhìn gần. 

Ở trẻ nhỏ trong những năm đầu thường bị viễn thị sinh lý và không cần phải đeo kính, do mắt có khả năng tự điều tiết. Tuy nhiên khi mức độ viễn thị vượt quá khả năng điều tiết của mắt thì có thể gây ra nhìn mờ, lác mắt. Khi bị viễn thị trẻ nhỏ thường có cảm giác khó chịu, nhức đầu, hay phải nheo mắt để nhìn… Do viễn thị thường gây nhược thị và có thể là yếu tố gây ra lác điều tiết nên cần phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Điều trị bằng cách đeo kính hội tụ (thường được kí hiệu bằng dấu cộng ở trước số kính đeo) để kéo ảnh của vật về đúng trên võng mạc và khi đó người bệnh mới nhìn rõ được.

  • Loạn thị

Hình 1.3. Mắt loạn thị

Loạn thị là tình trạng hình ảnh của vật tới mắt không hội tụ ở một điểm mà ở nhiều điểm khác nhau trên võng mạc. Mắt loạn thị nhìn vật bị mờ ngay cả khi xa và gần, và vật bị biến dạng. Trẻ nhỏ bị loạn thị thường nhìn mờ khi nhìn lên bảng hay đọc nhầm chẳng hạn như chữ H đọc thành chữ N, chữ B đọc thành chữ H, chữ I đọc thành chữ T … Loạn thị có thể là đơn thuần hoặc phối hợp với cận thị (loạn thị cận), viễn thị (loạn thị viễn) hay cả loạn thị cận và viễn (loạn thị hỗn hợp). Có thể điều chỉnh mắt loạn thị bằng cách đeo kính trụ.

  • Lệch khúc xạ

Lệch khúc xạ là hiện tượng ở đó có sự khác nhau về khúc xạ giữa hai mắt có thể là một mắt cận còn mắt kia viễn hoặc cả hai mắt cùng cận hay cùng viễn nhưng khác nhau về mức độ. Đôi khi là một mắt chính thị còn mắt kia là cận thị đơn thuần, viễn thị đơn thuần hay cận thị loạn hoặc là viễn thị loạn.

Điều này rất có thể gây ra nhược thị do thị lực ở mắt có tật khúc xạ lớn hơn. Trong điều trị ngoài việc kính đeo ra thì đôi khi bịt mắt tốt hơn để tập mắt kém là điều cần thiết để đảm bảo cho cả hai mắt cùng nhìn rõ.

  1. Theo dõi mắt có tật khúc xạ

Việc khám khúc xạ mắt nên được thực hiện sớm – ngay từ khi trẻ được 3 tuổi hoặc sớm hơn nếu trẻ có tiền sử đẻ non hay các bệnh khác về mắt. Sau đó, khám khúc xạ mắt cần được thực hiện định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần, hoặc tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Trẻ nhỏ thường không nhận biết được vấn đề thị lực của mình nên cha mẹ cần đặc biệt quan tâm và cho con đi khám mắt định kỳ. Đặc biệt, nếu trẻ bị loạn thị hoặc viễn thị thì lại càng khó có dấu hiệu để cha mẹ có thể nhận biết.

Bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể mắc tật khúc xạ do sử dụng mắt chưa hợp lý, do cơ địa, hoặc là do bẩm sinh. Tật khúc xạ nếu được phát hiện sớm (nhờ đi khám khúc xạ mắt) thì có thể điều chỉnh kịp thời, trẻ không bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Đưa trẻ đi khám khúc xạ khi đã có dấu hiệu nhìn khó, thường lúc đó trẻ đã mắc tật khúc xạ nặng, việc điều trị để nâng thị lực cho trẻ sẽ khó khăn hơn nhiều; một số trường hợp rất hạn chế trong việc nâng thị lực do thị lực đã mất là không hồi phục được. Vì tương lai con trẻ, khám khúc xạ mắt cần được coi là việc quan trọng, và cần làm từ khi trẻ 3 tuổi.

Hình 1.4. Thực hiện đo khúc xạ chủ quan cho trẻ tại bệnh viện Mắt Hà Đông

Hình 1.5. Soi bóng đồng tử kiểm tra chính xác tật khúc xạ cho trẻ

Hình 1.6. Đo khúc xạ bằng máy đo khúc xạ

  1. Phòng ngừa

Đối với trẻ có tật khúc xạ cần phải đeo kính thường xuyên để giúp cho trẻ nhìn rõ hơn và tạo điều kiện cho sự phát triển hoàn thiện chức năng thị giác của mắt. Cũng cần phải nhớ rằng do trẻ vẫn còn đang phát triển, khúc xạ ở mắt của trẻ còn thay đổi nên cần phải đưa trẻ đi khám thường xuyên theo định kỳ và thay đổi số kính đeo cho phù hợp với tình trạng khúc xạ của mắt trẻ.

Để phòng ngừa, trẻ không đọc sách, làm việc bằng mắt (đọc sách, học bài) ở khoảng cách gần (khoảng cách thích hợp từ mắt đến sách đọc khoảng 30 – 40cm là tốt nhất). Quy tắc 20-20-20: Đọc sách 20 phút lại cho mắt nghỉ ngơi 20 giây và nhìn xa 20 feets (tương đương 6m), đảm bảo đủ ánh sáng khi ngồi học (có đèn bàn) và ánh sáng trên lớp học; tư thế ngồi học (ngồi thẳng lưng, ngay ngắn, không cúi sát xuống bàn, bàn học cần vừa với kích thước cơ thể của trẻ nhỏ); trẻ cũng cần có chế độ giải lao, vui chơi giải trí (ngoài trời) và dinh dưỡng hợp lý để không bị mắc phải cận thị học đường hoặc nếu có bị những tật khúc xạ bẩm sinh thì cũng không bị nặng hơn gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này của trẻ.

Cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ đủ từ 8 – 10 tiếng một ngày; ăn nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể. Cho trẻ đi khám kiểm tra mắt mỗi 6 tháng/lần tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt hoặc ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ như mờ mắt, dụi mắt, nheo mắt, nghiêng đầu, cúi sát tập vở, viết hoặc đọc nhầm nhiều… để kịp thời phát hiện và điều chỉnh tật khúc xạ.

Ths. BSNT Lê Thùy Dung

Bài viết liên quan

Tháng hành động quốc gia về Dân số và Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12

Tháng Hành động Quốc gia về Dân số và Ngày Dân số Việt Nam góp …

Trả lời